TRÁM RĂNG THẨM MỸ LÀ GÌ ? QUY TRÌNH CÓ PHỨC TẠP KHÔNG ?

TRÁM RĂNG LÀ GÌ ?

Trám răng là điều trị nhằm phục hồi chức năng, thẩm mỹ cho răng bị mất cấu trúc thường do sâu răng, nứt vỡ do chấn thương hay mòn răng.

Có nhiều loại vật liệu khác nhau dùng để phục hồi răng như: nhựa composite, amalgam, vàng, GIC. Việc lựa chọn vật liệu phụ thuộc vào đánh giá của nha sĩ trong từng trường hợp lâm sàng. Có nhiều yếu tố để đánh giá như: độ rộng xoang sâu, vị trí, chi phí. Việc phục hồi răng có thể thực hiện trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào vị trí và kích thước của sự mất chất.

 

CÁC BƯỚC CHUẨN ĐOÁN , CẦN ĐIỀU TRỊ CHO TRÁM RĂNG

Thường bệnh nhân đến khám với tổn thương có lỗ sâu, gây nhồi nhét thức ăn, ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh hay thức ăn chua, đôi khi thấy đau thức khi nhai.

Tuy nhiên có những tổn thương sâu răng không tự phát hiện được mà phải được bác sĩ thăm khám kĩ trên lâm sàng và cận lâm sàng (X-quang).

Đến với nha sĩ, bạn sẽ được thăm khám và làm một số kiểm tra đơn giản để đánh giá tình trạng sâu răng.

BƯỚC 1 : KHÁM , QUAN QUAN SÁT RĂNG

Nha sĩ sẽ nhìn và kiểm tra, đánh giá toàn bộ miệng để tìm các dấu hiệu của sâu răng như: lỗ sâu, đổi màu dưới men răng, sang thương đốm trắng, mòn cổ răng hoặc hỏi tiền sử của bệnh nhân.

BƯỚC 2 : GÕ VÀ THĂM DÒ SANG THƯƠNG

Sau khi quan sát, nha sĩ sẽ dùng dụng cụ để thăm dò sang thương sâu răng để xác định mức độ trầm trọng của sâu răng. Việc thăm dò giúp xác định được đường vào lỗ sâu trên mặt nhai hoặc bề mặt láng. Rất khó để đưa dụng cụ thăm dò vào nếu lỗ sâu ở mặt bên tiếp giáp các răng khác. Thử nghiệm gõ để xem phản ứng của tủy răng.

BƯỚC 3 : CHỤP X-QUANG

Sau khi thăm khám lâm sàng, nha sĩ có thể chụp một số phim nha khoa. Các phim này giúp quan sát được kỹ hơn cấu trúc cũng như vùng chóp răng nằm trong xương. Từ đó, nha sĩ có thể đánh giá được độ rộng của sang thương. Việc chụp phim (phim quanh chóp, CT) cũng giúp nha sĩ đưa ra các quyết định điều trị trám răng hay là chữa tủy hoặc nhổ bỏ.

 

CÁC BƯỚC TRÁM RĂNG

BƯỚC 1 : GÂY TÊ

Thường nếu không đau sẽ không cần gây tê. Trong trường hợp bệnh nhân nhạy cảm hoặc cần đặt đê, nha sĩ sẽ gây tê tại chỗ.

BƯỚC 2 : LOẠI BỎ MÔ SÂU HOẶC VẾT TRÁM CŨ

Khi mô xung quanh răng hoàn toàn tê, nha sĩ sẽ dùng mũi khoan hoặc dụng cụ cầm tay (nạo ngà) để làm sạch mô sâu trong xoang. Giai đoạn này rất quan trọng vì mô sâu phải được làm sạch để ngăn ngừa tái nhiễm.

BƯỚC 3 : ĐƯA VẬT LIỆU VÀO KHOANG TRÁM VÀ TẠO HÌNH

Vật liệu trám sẽ được đặt vào xoang và tạo hình theo múi, góc, cạnh giống với hình dạng răng thật. Nếu trám bằng composite, giai đoạn trám gồm 3 bước:

  • Xoi mòn.
  • Bôi keo dán – Chiếu đèn.
  • Đặt composite – Chiếu đèn.

Quá trình trám cần phải cô lập với dịch và nước bọt vì nếu xoang trám ướt, vật liệu sẽ không dính được với bề mặt răng.

Bước 4. Đánh bóng và kiểm tra khớp cắn

Sau khi đưa vật liệu trám lấp đầy xoang, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra khớp cắn bằng các giấy ghi có màu để điều chỉnh đến khi thấy không có điểm vướng cộm và bệnh nhân thấy thoải mái như ban đầu. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh bóng miếng trám để làm mịn, tránh tình trạng bám thức ăn cũng như làm cho miếng trám trông đẹp hơn.

4. Các vấn đề có thể xảy ra khi trám răng

Nhạy cảm

Nhạy cảm răng sau trám là vấn đề có thể gặp. Thông thường, nhạy cảm sẽ hết trong vài tuần. Nếu sự nhạy cảm không giảm trong 2 – 4 tuần hoặc tăng đau, bạn nên liên lạc với nha sĩ để kiểm tra.

Đau sau trám

Bạn có thể cảm thấy đau sau trám răng. Đau cũng có thể xuất hiện ở vùng xung quanh miếng trám. Nếu cảm thấy đau khi nhai, có thể miếng trám bị cộm, bạn cần đến nha sĩ để điều chỉnh lại. Ngoài ra, trường hợp xoang sâu gần tủy, cơn đau của bạn cũng có thể là do kích thích tủy. Trong trường hợp này, nha sĩ buộc phải chữa tủy.

Sút hay bể miếng trám

Các lực nhai nghiến thông thường có thể làm miếng trám bị mòn, gãy vỡ. Những miếng trám ở mặt bên hay mòn cổ răng có nguy cơ sút trám cao hơn những vị trí khác do tính chất chịu lực ở vùng này. Trường hợp miếng trám quá lớn, mô răng còn lại không đủ lưu giữ thì nguy cơ bong sút cao.

Sâu răng tái phát

Khi miếng trám và lớp men không kết dính được sẽ tạo nên khoảng hở cho thức ăn và vi khuẩn xâm nhập. Điều này có thể gây sâu răng tái phát xung quanh miếng trám (thường sau vài năm), cần kiểm tra răng định kì để phát hiện tình trạng này. Vì nếu không phát hiện sớm thì bệnh nhân sẽ không phát hiện ra và đến lúc nghiêm trọng ảnh hưởng đến tủy răng thì điều trị trở nên phức tạp hơn.

Dị ứng với vật liệu trám

Tùy theo một số trường hợp, phản ứng dị ứng với trám bạc là có thể xảy ra. Tuy nhiên theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA), chỉ có dưới 100 trường hợp có phản ứng khi trám bạc. Thủy ngân hoặc một trong số các kim loại hỗn hợp trong chất trám bạc có thể gây ra phản ứng dị ứng, các triệu chứng điển hình như phát ban và ngứa tương tự như triệu chứng dị ứng da. Nên nếu bạn có tiền sử mắc dị ứng với kim loại thì nên tư vấn với bác sĩ để đổi vật liệu trám khác phù hợp hơn.

5. Tuổi thọ của miếng trám

Mỗi loại vật liệu có khả năng chịu bền khác nhau nên tuổi thọ của từng loại miếng trám cũng khác. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của miếng trám như:

Việc chăm sóc răng miệng

Việc vệ sinh miếng trám cũng tương tự như răng bình thường. Bạn phải thường xuyên chải răng và làm sạch vùng kẽ, tránh sâu tái phát xung quanh miếng trám.

Chú ý vấn đề nghiến răng

Nếu bạn có thói quen nghiến răng, đặc biệt vào ban đêm thì có thể làm vỡ hoặc mòn miếng trám. Nếu bạn nhận thấy mình có những triệu chứng giống mô tả về thói quen nghiến răng, cần báo cho nha sĩ ngay.

Nên nhớ miếng trám không phải là mô răng thật

Miếng trám sử dụng được bao lâu là câu hỏi rất khó để trả lời. Vì nó không phải răng thật nên không thể tồn tại mãi mãi. Nó cũng không thể tốt bằng mô răng thật. Khi trám răng, mô răng và miếng trám sẽ có sự khác biệt về các tính chất vật lý và hóa học. Do đó, các vấn đề như vi kẽ, vết nứt, gãy vỡ có thể phát sinh. Bạn nên thường xuyên khám nha sĩ để kiểm tra các miếng trám cũ. Điều này giúp bạn biết được khi nào thì cần thay thế.

6. Lưu ý sau khi trám răng

  • Trước khi tiến hành trám răng, bạn nên đánh răng, súc miệng thật sạch để tiết kiệm thời gian và loại bỏ các mảng bám trên răng, giúp chất liệu trám dễ bám dính.
  • Nếu có phản ứng đau nhức răng, ê buốt quá mức, chất trám cộm hay bong sút, phải thông báo ngay cho nha sĩ hoặc quay lại tái khám để có hướng điều trị kịp thời.
  • Khi ăn uống, hạn chế những thức ăn quá nóng hoặc lạnh vì nhiệt độ quá mức dễ gây nhạy cảm chất trám. Cũng không nên ăn đồ quá dai hoặc quá cứng, tránh dùng răng cắn vật cứng vì có thể gây mẻ hoặc sút miếng trám.
    Các thực phẩm chứa nhiều đường hay axit cũng khuyến cáo không nên sử dụng nhiều nếu tình trạng sâu răng của bạn mới chỉ được khống chế tạm thời.
  • Với trám răng cửa, bạn nên hạn chế các thực phẩm sậm màu như nước ngọt có gas, cà phê, thuốc lá vì có thể làm đổi màu răng. Nếu sử dụng có thể dùng ống hút và súc miệng sạch sau ăn uống để màu thực phẩm không lưu lại trên răng.
  • Nên chải răng hàng ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ với kem có chứa Fluor, lưu ý dùng bàn chải lông mềm và lực vừa phải chải theo chuyển động xoay tròn.
  • Dùng thêm chỉ nha khoa làm sạch mảng bám ở kẽ răng, súc miệng lại bằng nước sạch và uống nhiều lần nước trong ngày.
  • Nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần để biết được tình trạng sức khỏe răng miệng. Nếu có hiện tượng mòn, bể các miếng trám cũ, bác sỹ sẽ thông báo để thay miếng trám mới, hoặc trám các răng sâu khác nếu có để tránh tình trạng sâu răng lan rộng và ảnh hưởng đến tủy.

Trám răng là một điều trị đơn giản, giúp phục hồi được cấu trúc mô răng đã mất. Việc lựa chọn vật liệu và cách trám phụ thuộc vào vị trí, kích thước, chi phí và khả năng thực hiện của nha sĩ. Bệnh nhân cần có ý thức chăm sóc tốt để miếng trám có thể tồn tại được lâu. Trường hợp xuất hiện những vấn đề với miếng trám, bạn cần liên hệ với nha sĩ ngay để được điều trị phù hợp nhất.

NHA KHOA PHÚ MỸ SÓC TRĂNG - TƯ VẤN MIỄN PHÍ 0909.396.796